Bài viết nổi bật

7 năm bức tử sông Hậu

Nước cấp là gì?

Cả nước hiện có 26 nhà máy nhiệt điện than (NMNÐT) đang vận hành, với tổng công suất khoảng 13.810 MW, tiêu thụ khoảng 47,8 triệu tấn than/năm. Dự kiến đến năm 2020, sẽ có thêm 15 dự án nhiệt điện than được đưa vào hoạt động, nâng tổng công suất lắp đặt của các NMNÐT lên 24.370 MW và tiêu thụ khoảng 60 triệu tấn than/năm. Tuy nhiên, không ít NMNÐT hiện nay do sử dụng công nghệ lạc hậu, thiếu đồng bộ đã xảy ra các sự cố, gây ô nhiễm môi trường.

Đánh giá về công nghệ và công tác bảo vệ môi trường (BVMT) tại các NMNÐT ở nước ta hiện nay, Tổng cục trưởng Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Văn Tài cho biết: Trên thế giới, nhiên liệu than dùng cho các nhà máy nhiệt điện sản xuất khoảng 40% tổng điện năng của tất cả các nước, thậm chí một số nước còn có tỷ lệ cao hơn như Nam Phi (93%), Trung Quốc (79%), Ấn Ðộ (69%) và Mỹ (49%). Do nhu cầu năng lượng tiếp tục gia tăng, cho nên than vẫn là nguồn năng lượng sơ cấp quan trọng trong sản xuất. Tại Việt Nam, nhiệt điện than hiện cung cấp khoảng 35% tổng lượng điện và có chiều hướng tiếp tục tăng trong giai đoạn tới, dự kiến sẽ chiếm khoảng 53,2% điện sản xuất vào năm 2030. Tuy nhiên, hiện nay các NMNÐT ở nước ta đang hoạt động sử dụng công nghệ ngưng hơi truyền thống với thông số hơi dưới tới hạn và cận tới hạn (đốt than phun - PC và công nghệ lò tầng sôi - CFB). Việc chỉ sử dụng công nghệ nêu trên là do nguồn than nội địa sử dụng cho các nhà máy nhiệt điện có chất lượng thấp (nhiệt trị, hàm lượng chất bốc thấp). Trong khi đó, hiện Việt Nam đã xây dựng và chuẩn bị đưa vào vận hành một số NMNÐT thông hơi siêu tới hạn và đang chuẩn bị xây dựng một số nhà máy sử dụng công nghệ ngưng hơi trên siêu tới hạn như nhiệt điện Vĩnh Tân 3, Sông Hậu 2... Tất cả các NMNÐT sử dụng công nghệ này đều phải nhập từ nước ngoài, do có nhiệt trị và chất bốc cao.

 

Trong thời gian qua các NMNÐT đã có nhiều cố gắng trong việc cải tiến công nghệ, tăng cường công tác BVMT để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; lập các thủ tục BVMT và trình cấp thẩm quyền phê duyệt cũng như nỗ lực trong công tác BVMT. Bên cạnh đó, Tổng cục Môi trường cũng đã tiến hành thanh tra công tác chấp hành pháp luật về BVMT đối với 19 nhà máy nhiệt điện và kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình BVMT đối với bốn nhà máy nhiệt điện. Kết quả cho thấy, nhiều nhà máy nhiệt điện còn những tồn tại, vi phạm trong công tác BVMT, trong số đó có nhà máy đã để xảy ra các sự cố và còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Ðiển hình như NMNÐT Vĩnh Tân 2, thời gian đầu mới đưa vào vận hành thử nghiệm đã để xảy ra một số sự cố môi trường liên quan vận chuyển tro, xỉ thải do việc vận chuyển tro, xỉ từ nhà máy ra bãi thải thông qua phương pháp thải khô (vận chuyển bằng ô-tô) nhưng chưa thực hiện đúng và đủ các biện pháp BVMT. Cho nên, trong quá trình thải xỉ đã gây ra tình trạng ô nhiễm bụi dọc tuyến đường lưu thông, nhất là bụi phát tán trực tiếp ra môi trường tại khu vực bãi thải xỉ khô của đơn vị này. Hay sự cố tràn nước từ bãi thải xỉ ra môi trường do mưa kéo dài, đã từng xảy ra tại Nhà máy nhiệt điện Uông Bí và Phả Lại trong quá trình vận hành của nhà máy.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, để từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là không để các sự cố môi trường do các NMNÐT gây ra thì các NMNÐT cần cải tiến công nghệ đốt, nâng cao hiệu suất, chất lượng các hệ thống lọc bụi tĩnh điện; áp dụng các giải pháp công nghệ như sử dụng dầu DO trong quá trình khởi động lò, hoặc cải tiến, áp dụng công nghệ mới cho phép việc lắp đặt hệ thống lọc bụi tĩnh điện ngay từ khi khởi động lò. Ðối với các NMNÐT sử dụng nước ngọt từ các sông, cần sử dụng biện pháp làm mát bằng tháp giảm nhiệt để giảm tác động của nước làm mát đến môi trường thủy sinh đối với các nhà máy xây dựng mới. Tiến hành lắp đặt hệ thống quan trắc để kiểm soát lượng thải, nhiệt độ, Clo dư của nước làm mát trước cửa xả; kiểm soát lượng thải, nhiệt độ, độ pH của nước xả lò trước khi xả ra môi trường. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, đánh giá đầy đủ về công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý môi trường và giám sát môi trường; xây dựng phương án phòng ngừa và ứng phó; bảo đảm tuyệt đối không để xảy ra sự cố môi trường; công khai các chỉ số về tiêu thụ năng lượng, hóa chất sử dụng của các công trình xử lý chất thải tại những khu cực cần có kiểm soát.

Các chuyên gia, nhà khoa học cũng cho rằng, những dự án NMNÐT đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư cho nên các cơ quan phê duyệt dự án cần yêu cầu chủ dự án phải có phương án tiêu thụ, xử lý tro, xỉ than (coi tro, xỉ than là một dạng tài nguyên). Các bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát Quy hoạch tổng sơ đồ điện VII điều chỉnh đã được phê duyệt, để có kế hoạch và lộ trình đóng cửa NMNÐT hoạt động kém hiệu quả, công nghệ sản xuất lạc hậu, phát sinh chất thải lớn ra môi trường; không đưa NMNÐT mới vào quy hoạch; nghiên cứu, triển khai ứng dụng, lắp đặt, sản xuất năng lượng tái tạo, sạch và thân thiện với môi trường.

Viết bình luận

Họ và tên

Email

Nội dung