Vào tháng 7 năm 1976, có một sự bùng nổ của bệnh viêm phổi liên quan tới 221 người tham dự vào lễ kỷ niệm hàng năm của lính Mỹ vùng Pennsylvania ở khách sạn Bellvue-Stratford tại Philadelphia. Ngoài 221 người bị nhiễm bệnh có 34 người đã chết. Mãi cho đến tháng 12 năm 1977, các nhà vi sinh vật học mới có thể cách li một vi khuẩn từ cuộc khám nghiệm một mô trong phổi của một trong những người lính. Vi khuẩn có tên là “Legionella pneumophila” (Legionella xuất phát từ lính Mỹ, và pneumophila theo tiếng Hy Lạp là “thích phổi”) và nó hoàn toàn khac với các loại vi khuẩn khác. Không giống bệnh nhân của các bệnh viêm phổi khác, các bệnh nhân của bệnh legionnaire thường có những triệu chứng về dạ dày-ruột bao gồm tiêu chảy, nôn mửa. EPA (Mỹ) không đưa ra quy định về nồng độ nhiễm bẩn cao nhất cho Legionella thay vào đó, họ đưa ra phương pháp xử lý chung buộc phải tuân theo và nồng độ nhiễm bẩn cao nhất là 0 mg/l.
Xét nghiệm bệnh phẩm của nhiều nhân viên văn phòng, các bác sĩ chuyên khoa hô hấp tìm thấy vi trùng Legionella Pneumophila, thường trú ẩn trong các ống nước của máy lạnh. Chúng có thể gây khởi phát nhanh bệnh viêm phổi và dẫn đến tử vong.
Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TP HCM gần đây tiếp nhận nhiều người trẻ tuổi bị hen với cơn ho dai dẳng, đã dùng thuốc nhiều lần không khỏi. Sàng lọc các nguyên nhân, các bác sĩ nhận thấy họ mắc bệnh do thường xuyên hít phải mầm bệnh từ phòng làm việc có gắn máy điều hòa.
Trường hợp nặng nhất là một người đàn ông 32 tuổi, ngụ tại TP HCM, nhập viện trong tình trạng bị sưng phổi kèm đau khớp, nhức đầu, tiêu chảy… Người nhà cho biết, bệnh nhân nghiện thuốc lá, trước khi khởi phát bệnh có những triệu chứng cảm cúm như nóng sốt, sổ mũi… Thường những người viêm phổi không có biểu hiện bệnh toàn thân như trường hợp này; bệnh nhân trên lại làm việc thường xuyên trong môi trường máy lạnh. Vì vậy, các bác sĩ nghi ngờ anh bị một loại vi trùng trong máy lạnh tấn công. Đúng như dự đoán, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân nhiễm vi trùng Legionella Pneumophila, thường trú ẩn trong các ống nước của máy lạnh.
Thế giới đã cảnh báo tác hại của vi trùng Legionella Pneumophila từ nhiều thập kỷ trước do chúng rất nguy hiểm và thường gặp (chiếm 5% các trường hợp viêm phổi do vi trùng). Chúng có thể gây khởi phát nhanh bệnh viêm phổi và các triệu chứng toàn thân trong vài ngày, đưa đến tử vong. Kết quả điều trị tùy thuộc vào việc có nhận diện ra chúng hay không.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Đức, Trưởng khoa Quản lý và Điều trị Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, cho biết, càng có nhiều trí thức trẻ mắc bệnh hô hấp liên quan đến môi trường làm việc. Họ cho biết, thường xuyên làm việc ở những nơi được xem là lý tưởng, đó là các tòa nhà, cao ốc có trưng bày cây cảnh thông thoáng, máy điều hòa nhiệt độ; nhưng vẫn bị viêm phổi, hắt hơi, sổ mũi, ho dai dẳng không dứt. Đến khi nghe bác sĩ cảnh báo rằng mầm bệnh đang trú ẩn ngay trong phòng làm việc, đó là các chất vô cơ, hữu cơ sống trong bụi, nấm mốc từ thảm trải nền, cửa kính, cây cảnh, máy lạnh…, không ít người đã giật mình.
Theo bác sĩ Hồng Đức, đa số bệnh nhân của “hội chứng văn phòng” là người có cơ địa dễ dị ứng, có sẵn bệnh hen. Nhiều trường hợp mắc bệnh hen đã điều trị trong suốt thời gian dài mà vẫn không khỏi bệnh, đến khi tìm hiểu mới biết thủ phạm là cái phòng làm việc có máy lạnh. Chính không khí lạnh đã kích ứng, làm khởi phát cơn hen. Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, nhiều bệnh nhân hen là nhân viên văn phòng đã cải thiện bệnh đáng kể sau khi được hướng dẫn bố trí môi trường làm việc thông thoáng, sử dụng quạt thông gió thay cho máy lạnh.