Cáu cặn hơi và các chất lắng đọng có thể hình thành trên bất cứ bề mặt thiết bị nào tiếp xúc với nước, đặc biệt trên thành ống lò hơi. Các cáu cặn của lò hơi hình thành bởi các tạp chất kết tủa tách ra từ nước trên bề mặt truyền nhiệt của lò hoặc bởi các chất lơ lửng trong nước lắng xuống bề mặt lò, trở nên cứng và bám chặt vào bề mặt. Sự bay hơi nước trong lò là nguyên nhân dẫn đến các tạp chất này ngày càng lắng đọng dày thêm.
Đối với nước lò hơi chưa xử lý, sự hình thành cáu cặn được ví như là 1 xu hướng “trở lại bản chất” của vật chất. Khi các hạt khoáng tách ra từ nước, chúng tạo thành chất rắn có cấu trúc tinh thể. Những thành phần thường tìm thấy phổ biến trong cáu là Canxi cacbonat, Canxi photphat, Magie hydroxit, Magie Silicat… Loại cáu cặn thông dụng nhất trong lò hơi là loại cáu cacbonat hình thành từ độ cứng của nước kết hợp với các iôn cacbonat tồn tại trong nước từ CO2 hòa tan.
Cáu cacbonat thường có hình hạt nhỏ và đôi khi rất xốp. Loại cáu này có thể dễ dàng xác định bằng cách ngâm nó vào dung dịch axit. Khi đó, bọt khí CO2 sẽ xuất hiện và đi lên thoát khỏi dung dịch từ phần cáu cặn dưới đáy.
Các cáu Sulphat thì cứng hơn và đặc hơn cáu cacbonat. Cáu sulphate thì giòn và không sủi bọt trong dung dịch axit. Còn cáu Silica nhìn tương tự như sứ. Loại cáu này rất giòn, không tan trong axit và tan chậm trong môi trường kiềm. Cáu silica rất khó loại bỏ, muốn loại bỏ phải dùng HF với nhiều rủi ro tiềm tàng khi sử dụng.
Các chất lắng đọng trong lò có thể bắt nguồn từ các tạp chất sẵn có trong nước cấp lò hơi. Các chất lắng đọng của sắt có màu sẫm. Đó là sản phẩm của quá trình ăn mòn và cũng có thể do hàm lượng sắt cao từ nước nguồn. Đôi khi các chất lắng đọng tụ lại với nhau thành khối nén chặt nhìn tương tự như cáu cặn nhưng vẫn mang tính chất vốn có của nó.