Bài viết nổi bật

7 năm bức tử sông Hậu

Nước cấp là gì?

7 năm thì có đến 5 lần bị phạt, nhưng một doanh nghiệp cồn vẫn xả nước thải xuống sông Hậu, và nước thải có lúc ô nhiễm cao 700 - 800 lần so với bình thường.

Nước thải từ Công ty Huy Việt - Tây Đô đang bơm xuống ghe để chở qua Đồng Tháp thì bị bắt quả tang

Chỉ số ô nhiễm cao gấp 700 - 800 lần

Tại bến Bò Ót, đoạn đầu cồn Tân Lộc (Q.Thốt Nốt, TP.Cần Thơ), ghe tàu qua lại nhộn nhịp. Tuy nhiên, con sông đang bị đầu độc bởi tình trạng xả thải của Công ty TNHH sản xuất thương mại Huy Việt - Tây Đô (gọi tắt là Công ty Huy Việt - Tây Đô, tọa lạc P.Thuận An, Q.Thốt Nốt, chuyên kinh doanh, sản xuất hóa chất cơ bản, cồn thực phẩm…). Trong 7 năm qua, đây là lần thứ... 5 công ty này bị lập biên bản vì xả thải chưa qua xử lý. Lần xả thải mới nhất, nước thải có chỉ số ô nhiễm gấp 700 - 800 lần mức bình thường...

Sau hơn 2 tháng theo dõi, tối 12.7, lực lượng phối hợp giữa Phòng Cảnh sát môi trường (PC49), Công an TP.Cần Thơ và Cục Cảnh sát môi trường (C49), Bộ Công an bất ngờ kiểm tra, bắt quả tang ông Tô Hữu Chuộn, nhân viên Công ty Huy Việt - Tây Đô, đang bơm một lượng rất lớn nước thải chưa qua xử lý, màu đỏ và bốc mùi hôi nồng nặc từ công ty xuống ghe, tải trọng 145 tấn để chuẩn bị vận chuyển đi tẩu tán.

“Chúng tôi phát hiện toàn bộ nước thải sản xuất phát sinh từ quá trình chưng cất cồn, được công ty chuyển qua Đồng Tháp và nước thải giải nhiệt của công ty được thải ra sông Hậu với 2 điểm xả khác nhau. Một điểm là khoảng 95 m3/ngày (24 giờ); điểm kia là khoảng 105 m3/ngày (24 giờ). Điều này hoàn toàn trái ngược với cam kết tái sử dụng trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của họ trước đó”, thiếu tá Nguyễn Ngọc Điệp, Đội trưởng Đội 2, PC49 Công an TP.Cần Thơ, người trực tiếp theo dõi, cho biết.

Khu vực nước thải của Công ty Huy Việt - Tây Đô được xả xuống sông Hậu từ hầm chứa Công ty TNHH Vườn thực nghiệm Ước Mơ

Những ngày theo dõi, các trinh sát ghi nhận thủ đoạn của Công ty Huy Việt - Tây Đô là hằng ngày cho bơm nước thải xuống ghe trọng tải lớn, rồi chở qua hầm chứa của Công ty TNHH Vườn thực nghiệm Ước Mơ, nằm đối diện phía bên kia sông Hậu, thuộc địa bàn xã Định An, H.Lấp Vò, Đồng Tháp. Lực lượng kiểm tra cũng bắt quả tang, từ hầm chứa của Công ty TNHH Vườn thực nghiệm Ước Mơ, nước thải được bơm theo ống dẫn dài khoảng 300 m, thải trực tiếp xuống sông Hậu qua miệng ống đặt sâu dưới mặt nước khoảng 3,5 m. Cả hệ thống xả thải phía bờ Cần Thơ và bờ Đồng Tháp đều được lắp máy bơm hai chiều, nên khi thấy “có động”, công nhân sẽ nhấn nút bơm đảo chiều lấy nước từ sông Hậu, thay vì xả thải để tránh bị phát hiện.

Xử phạt cũng như không

Ở cách Công ty Huy Việt - Tây Đô không xa, bà H.T.P (ngụ P.Thới Thuận, Q.Thốt Nốt, Cần Thơ) cho biết tình trạng gây ô nhiễm môi trường của công ty này gây bức xúc cho người dân địa phương nhiều năm nay. “Trước đây, khi chưa bị công an bắt, mỗi khi doanh nghiệp xả nước thải ra môi trường thì cá nổi lờ đờ trắng cả khúc sông”. Không chỉ xả nước thải mà bụi tro, mùi hôi từ công ty phát thải ra cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân. “Mỗi khi họ xả thải là rạch Bò Ót đổi màu như nhiễm phèn. Mùi hôi nồng nặc. Đồ ăn, thức uống không che đậy thì dính tro đen thui”.

Bức xúc trước tình trạng xả thải tái diễn liên tục của Công ty Huy Việt - Tây Đô, ông Nguyễn Văn Phong, nguyên Chủ tịch UBND xã Thới Thuận (nay là P.Thới Thuận và một phần P.Thuận An, Q.Thốt Nốt), cho hay người dân đã nhiều lần làm đơn tập thể khiếu nại doanh nghiệp trên đến cơ quan chức năng, nhưng “chuyện đâu lại vào đấy”.

Theo kết quả phân tích mẫu nước thu được tại ống xả ở Công ty Huy Việt - Tây Đô sau lần bắt quả tang mới đây, 2 mẫu nước thải giải nhiệt mà công ty trên xả ra sông Hậu có thông số Coliform vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 700 - 800 lần mức cho phép, hàm lượng sắt (Fe) cũng vượt từ 1,56 - 2,84 lần... Cơ quan chức năng đang tiếp tục củng cố hồ sơ để tiến hành xử phạt.

“Đây không phải là lần đầu doanh nghiệp này vi phạm bị bắt quả tang. Chúng tôi cần họ phải khắc phục về lâu dài chứ không chấp nhận việc đóng phạt rồi vi phạm tiếp. Họ nộp bao nhiêu tiền phạt thì môi trường sống của người dân cũng không thể trở lại bình thường”, ông Phong nói.

Viết bình luận

Họ và tên

Email

Nội dung